Từ tháng 4/2018 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 10.000 – 30.000 đồng/kg (chủ yếu ở cỡ tôm 80 – 100 con/kg). Giá tôm giảm khá sâu làm người nuôi tôm, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lo lắng.
Nguyên nhân giá tôm giảm
Theo kế hoạch, năm 2018 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 140.000ha. Nếu so sánh từ năm 2010 – 2017 thì diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng từ 125,76ha lên gần 139.000ha, sản lượng tăng từ 149.281 tấn lên gần 211.000 tấn với giá trị sản xuất nuôi trồng gần 24.660 tỷ đồng.
Mặc dù diện tích và sản lượng tôm nuôi tăng, tuy nhiên gần 2 tháng qua, giá tôm nguyên liệu sụt giảm gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nuôi tôm Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL nói chung. Anh Đặng Văn Ngọc (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) – người nuôi tôm thâm canh, chia sẻ: “Cuối năm 2017, giá tôm nguyên liệu tăng cao, nhất là tôm thẻ chân trắng, người nuôi trúng mùa lại được giá. Do đó, ai cũng nuôi tôm thẻ chân trắng. Công nghệ nuôi được cải tiến, một số quy trình nuôi tiên tiến được áp dụng đã góp phần tăng sản lượng tôm nuôi, làm cho nguồn cung vượt cầu, kéo giá thành giảm như hiện nay”.
Tại hội nghị bàn về các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững (tổ chức tại Bạc Liêu), các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành và người nuôi tôm khu vực ĐBSCL cho rằng nguyên nhân sụt giảm giá là do sản lượng tôm thương phẩm của các nước đều tăng do được mùa, khiến nguồn cung tăng mạnh. Ngoài ra, do nhu cầu tại thị trường Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao, cùng với đó là một số bất ổn chính trị tại Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm. Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở một số nước sản xuất tôm lớn đều tăng, nguồn cung dồi dào. Các nhà nhập khẩu đã nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá, nên người nuôi tôm có tâm lý bán tháo.
Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tại một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU… các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ do họ hạ giá bán. Còn ở thị trường Nhật Bản, sau khi tăng trưởng 17% vào năm 2017 thì tháng 4/2018 lại giảm 9%. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn được xem là thị trường có sức tiêu thụ ổn định nhất, trong đó các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Đối với Trung Quốc, do dân số đông, nhu cầu tiêu thụ đa dạng nên nhu cầu nhập khẩu sẽ ngày càng tăng; tuy nhiên, thị trường này thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
Dự BÁO giá tôm sẽ tăng
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, giá tôm nguyên liệu hiện tại rất rẻ sẽ kích thích tiêu dùng. Khi đó, người nuôi tôm tại một số quốc gia như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a… bị thua lỗ và sẽ có xu hướng “treo ao” không nuôi tiếp. Giữa tháng 5/2018 đã có dấu hiệu khách hàng tại các thị trường truyền thống bắt đầu mua tôm, đây sẽ là cơ hội cho tôm Việt Nam nâng giá thành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo dự báo của nhiều chuyên gia, hiện nay giá tôm thẻ chân trắng tại một số địa phương bắt đầu chững lại, dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, vì vậy giá tôm sẽ tăng vào khoảng tháng 8, 9/2018. Các nước Ấn Độ, Băng-la-đét, Thái Lan và một số nước đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế nuôi tiếp, khả năng giảm nguồn tôm cung trong quý 3 và quý 4/2018.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Vụ nuôi trồng thủy sản đang bám sát diễn biến cung – cầu và giá tôm ở thị trường xuất khẩu để thông tin kịp thời đến người nuôi nhằm có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đồng thời phát triển các kênh phối hợp nhằm đẩy mạnh thị trường nội địa, bao gồm cả sản phẩm tươi sống và giá trị gia tăng. Tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán, giới thiệu đến các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tôm”.